Cách chọn trường học STEAM cho con cha mẹ cần biết

cách chọn trường học STEAM cho con

Làm thế nào để lựa chọn một môi trường giảng dạy STEAM phù hợp cho con? Những tiêu chí mà một lớp học STEAM cần có là gì? Những yếu tố nào giúp đánh giá kết quả học tập, chất lượng giáo viên và chương trình học? Làm cách nào chọn trường học STEAM cho con?

Phụ huynh có rất nhiều quan ngại khi tìm kiếm một môi trường học STEAM phù hợp dành cho con. Không phải trường học nào cũng có đủ kinh nghiệm, cơ sở vật chất trang thiết bị và đội ngũ giảng viên để áp dụng chương trình STEAM một cách hiệu quả.

Trong quá trình học STEAM, học sinh sẽ trải qua nhiều cấp độ khác nhau để tạo ra các sản phẩm, với cấp độ khó tăng dần theo từng cấp độ. Tuy nhiên không phải hoạt động học nào cũng được xem là phương pháp STEAM, mà cần được đánh giá dựa trên các tiêu chí:

Danh sách mục tiêu cần đạt được

Cách tốt nhất để xác định buổi học có đi đúng với định hướng STEAM hay không đó là hãy bám sát danh sách những mục tiêu cần đạt được. Mỗi lĩnh vực trong STEAM (Khoa học – Công nghệ – Kỹ thuật – Nghệ thuật – Toán) đều sẽ có những mục tiêu riêng. Hơn nữa, mỗi chủ đề của từng buổi học cũng cần có mục tiêu cụ thể và rõ ràng. 

Danh sách mục tiêu sẽ giúp giáo viên thiết kế được các hoạt động phù hợp cho lớp học, cũng như đánh giá được kết quả học tập của các học viên. Với học viên, với một chuỗi mục tiêu rõ ràng và cụ thể, các em sẽ biết rõ mình cần làm gì tiếp theo và sau mỗi buổi học các em sẽ tự nhận ra được sự tiến bộ của bản thân. 

1. Lồng ghép các tiêu chuẩn đánh giá một cách hợp lý

Các giờ học trở nên thú vị, hiệu quả khi ứng dụng phương pháp STEAM.

Một chủ đề học STEAM chất lượng cần có được sự liên kết hợp lý giữa 2 hoặc nhiều tiêu chuẩn đánh giá. Giáo viên khi chuẩn bị giáo án cho nội dung giảng dạy cần cân nhắc kỹ lưỡng khi tuyển chọn những tiêu chuẩn, nội dung và chủ đề một cách hợp lý. Cách đơn giản nhất để làm điều này là hãy nhìn vào những động từ chỉ hành động cần thực hiện. 

Ví dụ: Một lớp học STEAM về lĩnh vực khoa học thường sẽ yêu cầu học sinh “minh họa” để dẫn chứng cho một khái niệm lý thuyết nào đó. Còn một lớp học STEAM về nghệ thuật sẽ muốn người học “áp dụng” những kỹ năng đã học để tạo nên tác phẩm. Khi liên kết hai lĩnh vực này, giáo viên có thể gợi ý những tiêu chuẩn phù hợp để lòng ghép hai lĩnh vực này vào một buổi học.

Không có một quy chuẩn nhất định nào chắc chắn về việc cần liên kết các tiêu chuẩn cho hợp lý. Điều này còn phụ thuộc vào kinh nghiệm và khả năng sáng tạo của người giáo viên cũng như khả năng hiện tại của học sinh trong lớp. 

2. Dựa trên nền tảng tự tìm tòi học hỏi

Những chú robot công trùng sau khi hoàn thiện sẽ được học sinh lắp thêm một chiếc đèn LED.

Như đã nhấn mạnh ở trên, cốt lõi của STEAM chính là khơi gợi tính tò mò và ham học hỏi của mỗi người. Thông qua sự tò mò và không ngừng đặt câu hỏi, người học sẽ dần rèn luyện kỹ năng tìm kiếm thông tin, tư duy xử lý vấn đề và biết cách vận dụng kiến thức đã tìm được vào những tình huống tương tự.

Vậy nên khi tìm hiểu một môi trường học STEAM cho con, phụ huynh cần chú ý đến những câu hỏi được đặt ra trong buổi học và quá trình khi các con bắt tay vào thực hành.

Những câu hỏi như: Những vấn đề nào đang cần được làm rõ hoặc cần được giải quyết? Các lĩnh vực STEAM đang được lồng ghép như thế nào để giúp các em khám phá chủ đề học? Tại sao quá trình suy luận và đặt câu hỏi lại quan trọng đối với buổi học? Và những câu hỏi đó có giúp các em tìm ra hướng giải quyết không? 

3. Sử dụng các hoạt động đúng mục đích

Cuối giờ học, các bạn học sinh tự tin thuyết trình trước cả lớp để giới thiệu về sản phẩm của mình.

Một điều dễ thấy ở những lớp học STEAM đó là giáo viên hay cho các em làm những sản phẩm nghệ thuật ở cuối buổi học. Ví dụ như vẽ tranh, tô màu, cắt dán, xếp giấy, hoặc thậm chí là học hát. Tuy nhiên, không phải hoạt động sáng tạo nào cũng phù hợp với buổi học STEAM. Đặc biệt nếu hoạt động cuối buổi này không liên liên kết với những kiến thức đã học thì có thể sẽ phản tác dụng hoặc làm các em sao nhãng và khó hiểu. 

Khi xây dựng một buổi học STEAM, giáo viên cần phân biệt rõ ràng giữa nội dung học cho lĩnh vực nghệ thuật với những lĩnh vực khác. Khi đưa hoạt động nghệ thuật vào một buổi học, giáo viên cần cân nhắc cẩn thận để đảm bảo sự hợp lý và liên kết một cách có chủ đích. 

Thay vì thêm hoạt động nghệ thuật vào buổi học chỉ với mục tiêu giúp học sinh giải trí và giết thời gian, thì nên sử dụng giờ thực hành để các em tự tay tạo ra những sản phẩm giúp các em minh họa dẫn chứng những kiến thức lý thuyết vừa học. Việc này giúp các em dễ dàng hình dung và nhớ lâu hơn nội dung bài học.

4. Kỹ năng cần thiết trong thế kỷ 21

4 kỹ năng nhất thiết phải có, bao gồm: Cộng tác làm việc – Tư duy sáng tạo – Tư duy phản biện – Kỹ năng giao tiếp. Đây là 4 kỹ năng không thể thiếu của mỗi người không chỉ trong thế kỷ 21, mà con trong bất kỳ thời đại nào. 4 kỹ năng này trang bị cho các em nền tảng để thành công dù trong mọi môi trường làm việc và cả trong cuộc sống xã hội. 

Một lợi thế nữa của phương pháp STEAM đó chính là giúp các em rèn luyện 4 kỹ năng trên thông qua các hoạt động trong giờ học. Thông qua những buổi thảo luận, thuyết trình, sáng tạo giải pháp, lập kế hoạch thực hiện và khám phá nhiều khía cạnh mới sẽ giúp các em nâng cao kỹ năng mềm từ đó hình thành tính cách và sự phản xạ tự nhiên đối với những tình huống thực tế trong cuộc sống.

5. Phương pháp đánh giá năng lực 

Những “giàn khoan dầu khí” đã hoàn thành sau 7 tiếng chăm chỉ làm việc của các bạn học sinh

Cuối cùng, một buổi học STEAM thực thụ sẽ đánh giá người học cả trên phương diện nội dung kiến thức cũng như những tiêu chí nghệ thuật đã được giáo viên tuyển chọn kỹ lưỡng. 

Khác với phương pháp học truyền thống đánh giá năng lực của học sinh bằng điểm số và kết quả bài kiểm tra, phương pháp STEAM đánh giá người học thông qua toàn bộ quá trình học. 

Phương pháp đánh giá năng lực của người học không chỉ dựa trên sản phẩm cuối cùng mà là sự tiến bộ qua từng buổi học. Những tiêu chí đánh giá bao gồm: thái độ học tập, mức độ yêu thích đối với từng lĩnh vực, khả năng tiếp thu, sự hăng hái tham gia các hoạt động lớp, tinh thần hợp tác làm việc, sự sáng tạo trong quá trình học, dám phát biểu ý tưởng và cảm nghĩ,….

6. Điểm cộng: Mang lại ý nghĩa

Học STEAM không nhằm mục đích gói gọn các em trong môi trường học tập, mà là để chuẩn bị các em cho cuộc sống thực tế và cho công việc trong tương lai. Vì vậy chủ đề học STEAM không chỉ dừng lại ở việc giải quyết những câu hỏi và những vấn đề trong lớp học, mà giáo viên cần phải giúp các em liên kết những kiến thức đã học với thực tế cuộc sống. Có như vậy thì phương pháp STEAM mới thực sự mang lại ý nghĩa và kích thích tinh thần tìm tòi học hỏi ở các em.

Nhưng yếu tố vừa nêu trên sẽ giúp phụ huynh đánh giá được một lớp học STEAM có thực sự phù hợp với con hay không. Đồng thời, đây cũng là danh sách để những nhà giáo có thể tham khảo để xây dựng buổi học STEAM mong muốn cho lớp học.

Tiêu chí đánh giá giáo viên dạy STEAM 

Khi ngày càng có nhiều trường học chuyển hướng áp dụng phương pháp STEAM vào chương trình giảng dạy, thì các bậc phụ huynh càng đắn đo về những tiêu chí đánh giá giáo viên dạy STEAM? Và hàng trăm câu hỏi khác tương tự. 

Để gỡ bỏ những nghi ngại trong lòng phụ huynh, chúng ta sẽ giải đáp từng câu hỏi. 

Ai là giáo viên dạy STEAM?

Một câu trả lời bất ngờ cho câu hỏi này chính là bất kỳ ai trong trường học cũng có thể trở thành giáo viên dạy STEAM. Không nhất thiết phải là giáo viên chuyên môn nghệ thuật hoặc chuyên môn khoa học.

Câu trả lời này dường như không thỏa đáng và không làm cho phụ huynh yên tâm. Nhưng thật sự đây lại chính là yếu tố tạo nên ưu điểm của phương pháp học này. Triết lý STEAM được xây dựng dựa trên nền tảng của sự kết nối tích hợp giữa nhiều lĩnh vực. Với phương pháp này, chúng ta không phân chia các lĩnh vực như khoa học, công nghệ, kỹ thuật, nghệ thuật, và toán học thành từng trường phái riêng biệt. Ngược lại, phương pháp STEAM sẽ kết nối tất cả lại thành một mạng lưới các chủ đề có liên quan và bổ trợ lẫn nhau.

Tất cả chúng ta đều là giáo viên dạy STEAM, kể cả bản thân phụ huynh cũng là những người truyền tải thông điệp và ý nghĩa của phương pháp STEAM đến với con cái. 

Giáo dục con trẻ không phải là trách nhiệm của riêng một giáo viên nào, mà là của cả gia đình, nhà trường và xã hội. Hiểu được điều này, các bậc phụ huynh vừa có thể an tâm hơn vừa có thể tự mình giáo dục con theo phương pháp STEAM ngay tại nhà.

Đối với trường học, khi hiểu được triết lý này, các giáo viên sẽ không còn phải tranh cãi về trách nhiệm dạy dỗ các học sinh. Mỗi người đều tham gia vào quá trình này tùy theo vai trò và khả năng của mình.

Giờ học STEAM diễn ra khi nào?

Câu hỏi này có liên quan đến câu hỏi đầu tiên. Nếu mỗi người đều là giáo viên dạy STEAM vậy thì giờ học STEAM có thể diễn ra bất cứ khi nào. Giờ học STEAM không chỉ là tiết học diễn ra ở trong lớp nữa.

Nhưng ở bước đầu tiên bắt đầu áp dụng phương pháp STEAM vào chương trình giảng dạy, các trường học thường sẽ có một khung giờ học cụ thể và riêng biệt dành cho STEAM. Cũng chính vì vậy, trường học sẽ chỉ định một giáo viên có chuyên môn để xây dựng chương trình học STEAM.

8 mô hình Cánh tay thuỷ lực sau 7 tiếng chăm chỉ nghiên cứu đã hoàn thành xuất sắc.

Về lâu về dài, khi mọi việc bắt đầu đi vào quỹ đạo, việc giảng dạy STEAM sẽ được mở rộng ra ngoại phạm vi lớp học. Vì thực chất một trường học STEAM thật sự không chỉ cần có lớp học STEAM mà còn cần phải xây dựng môi trường STEAM, và giảng dạy STEAM không phải là công việc của một giáo viên mà của toàn trường.

Phương pháp STEAM được tạo ra nhằm khuyến khích sự tò mò ở các học sinh, kích thích tư duy và không ngừng đặt câu hỏi, đồng thời phát triển trí sáng tạo trong quá trình khám phá các hướng giải quyết vấn đề. 

STEAM có thể diễn ra trong mọi thời điểm. Bất cứ khi nào, trong tình huống nào những giá trị vừa nêu trên của STEAM phát huy tác dụng thì đó cũng là một giờ học STEAM. Giờ học STEAM không chỉ trong lớp toán, lớp vẽ, lớp robot,… mà còn cả trong cuộc sống hằng ngày. 

Tiêu chí nào để đánh giá một giáo viên đủ tiêu chuẩn để dạy STEAM?

Bất kỳ ai cũng có thể dạy STEAM, nhưng không phải ai cũng có đủ chuyên môn để xây dựng nên một giờ học STEAM bài bản. Trên thực tế, có nhiều giáo viên vẫn chưa hiểu rõ về STEAM, vậy thì làm sao họ có thể dạy nó một cách hiệu quả?

Đối với phần lớn phương pháp giáo dục, chúng ta cần đảm bảo những người giáo viên đứng lớp phải có đủ trình độ chuyên môn và trình độ giảng dạy. Hiện tại, có khá nhiều khóa học chất lượng đào tạo phương pháp giảng dạy STEAM cho giáo viên ở các trường học. Nhưng một yếu tố quan trọng hơn hết chính là tinh thần của giáo viên, chấp nhận cởi mở đón nhận phương pháp giáo dục mới và áp dụng vào quá trình giảng dạy.

Giáo viên cần học cách liên kết những tiêu chuẩn đánh giá học sinh khi học STEAM với các môn học trong nhà trường. Ngoài ra, giáo viên cần dành thời gian để thiết kế giáo án giảng dạy STEAM để bám sát với từng lĩnh vực, đề ra các bước rõ ràng để các học sinh có thể dựa theo đó mà thực hiện.

Để có thể dạy STEAM, ngoài kiến thức, giáo viên còn cần kỹ năng sư phạm, am hiểu tâm lý trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên, có sự kiên nhẫn và có tư duy liên kết kiến thức với tình huống thực tế. Chính vì điều này, nhà trường cần thường xuyên tổ chức đào tạo và tập huấn để nâng cao năng lực của giáo viên cho chương trình STEAM.

Lời kết 

Để có thể đưa phương pháp STEAM vào chương trình giáo dục và đào tạo không phải là bài toán đơn giản. Nhưng những lợi ích mà phương pháp này mang lại cho người học và toàn bộ hệ thống giáo dục là vô cùng to lớn. Tham gia vào lớp học STEAM cả giáo viên và học sinh đều nhận được những giá trị thiết thực từ kiến thức đang học và có thể áp dụng nó vào thực tế. Nhờ vậy các em sẽ không còn cảm thấy trường học chỉ toàn những lý thuyết nhàm chán mà là một môi trường mang lại nhiều trải nghiệm tuyệt vời. 

Trường học không nhất thiết phải được đóng khung trong bốn bức tường, vì trường học chính là tinh thần ham học của mỗi người. Với tinh thần ham học, ở nơi đâu các em cũng có thể học được điều mới. Đồng thời, các em học sinh còn có thể tận dụng khả năng tư duy sáng tạo để phát triển không ngừng, xây dựng những mối quan hệ ý nghĩa, và tự tạo ra những giá trị vật chất và tinh thần cho bản thân, gia đình và xã hội!

—————————————————

FPT AfterSchool – Hệ thống đào tạo kỹ năng học đường của FPT Education

Thông tin tiên hệ:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *