“AI tác động đến thị trường việc làm ra sao?” là vấn đề đang nhận được rất nhiều sự quan tâm hiện nay, khi nhiều người lao động lo lắng rằng việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo ngày càng phổ biến trong xã hội có thể lấy đi việc làm của họ. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu thực tế đã chỉ ra rằng công nghệ AI đang tác động đến thị trường việc làm theo nhiều cách, cả mặt tích cực và tiêu cực. Trong bài viết này, FPT AfterSchool sẽ giúp bạn có những hình dung rõ hơn về cách mà AI tác động đến thị trường việc làm như thế nào.
AI tác động đến thị trường việc làm ra sao?
Tác động tích cực
Tăng năng suất và hiệu quả
Nhiều doanh nghiệp cho biết việc áp dụng trí tuệ nhân tạo trong vận hành đã giúp họ nâng cao năng suất cũng như chất lượng sản phẩm, dịch vụ đáng kể. Điều này khá dễ hiểu bởi AI có thể tự động hoá các nhiệm vụ lặp đi lặp lại, nâng cao mức độ chính xác và giảm thiểu lỗi kỹ thuật, giúp con người tập trung vào các công việc sáng tạo mang tính chiến lược hơn.
Ví dụ: Việc ứng dụng AI trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp giúp phát hiện, kiểm soát dịch bệnh và các điều kiện của đất, phân bón, nước, không khí, ánh sáng,… giúp cây trồng phát triển nhanh và cho sản lượng cao hơn so với phương pháp trồng trọt truyền thống.
Bên cạnh đó, AI còn được ứng dụng vào khâu bảo trì giúp dữ liệu được phân tích liên tục và có thông báo khi thiết bị cần được bảo trì thay vì chỉ thực hiện bảo trì theo lịch trình, từ đó có thể giảm thiểu tối đa thời gian chết trong sản xuất. Ngoài ra, một số loại máy móc khi được vận hành bởi thuật toán AI cũng giúp tối ưu hoá quy trình sản xuất thông qua việc giám sát số lượng máy móc đang sử dụng, chu trình, nhiệt độ, thời gian chờ, giảm thiểu lỗi và thời gian sản xuất,…
Tạo ra các công việc mới
AI sẽ giúp tự động hoá nhiều nhiệm vụ mà hiện tại được thực hiện bởi con người, từ đó làm giảm nhu cầu về nhân lực; nhưng đồng thời AI cũng có thể được sử dụng để phát triển sản phẩm và dịch vụ mới, tạo ra các công việc mới trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Diễn đàn kinh tế thế giới WEF dự đoán rằng đến năm 2025, AI sẽ giúp tạo ra khoảng 97 triệu việc làm mới liên quan đến các lĩnh vực như: nghiên cứu dữ liệu, kỹ sư robot, quản lý quy trình sản xuất tự động, chăm sóc khách hàng, lập trình viên đặc biệt là lập trình sử dụng ngôn ngữ Python,…
Tăng khả năng tiếp cận thông tin và giáo dục
AI có thể được sử dụng để cung cấp thông tin và giáo dục cho mọi người một cách trực quan. Cụ thể, trong ngành giáo dục, các nền tảng do AI cung cấp sẽ hỗ trợ tạo lập các tài nguyên đa phương tiện như video, mô phỏng và trải nghiệm thực tế ảo. Những tài nguyên này giúp tạo sự thuận tiện và hấp dẫn trong việc giảng dạy, kích thích học sinh trải nghiệm thực tế và tiếp thu kiến thức được hiệu quả hơn.
Tác động tiêu cực
Thay thế việc làm
Theo “Báo cáo việc làm tương lai năm 2020” của Diễn đàn kinh tế thế giới WEF, dự tính đến năm 2025 thì AI có thể thay thế khoảng 85 triệu công việc trong nhiều lĩnh vực hiện đang được thực hiện bởi con người. Những ngành nghề dễ bị thay thế thường có đặc điểm là có quy trình làm việc cụ thể, lặp đi lặp lại và không đòi hỏi quá nhiều sự sáng tạo như thiết kế đồ họa, chăm sóc khách hàng, nhân viên lắp ráp, nhân viên giao hàng,…
Một ví dụ rõ nhất là việc các hãng phim Hollywood gần đây đã dùng AI để tái tạo hình ảnh của diễn viên quần chúng khiến hàng chục nghìn người mất việc, dẫn đến cuộc đình công lớn nhất trong lịch sử ngành điện ảnh thế giới.
Tham khảo tin tức
Phân biệt đối xử
Đối với nhiều người sẽ thật khó để tìm mối liên kết giữa AI và phân biệt đối xử, nhưng thực tế thì AI hoàn toàn có thể được sử dụng để phân biệt đối xử với người lao động dựa trên chủng tộc, giới tính, tôn giáo hoặc các yếu tố khác. Bởi AI vốn hoạt động dựa trên các thuật toán nên có thể vì một số lý do như cách định nghĩa “biến mục tiêu” (target variable) hay “nhãn lớp” (class label), cách đặt nhãn dữ liệu, cách chọn lựa đặc trưng (feature selection),… dẫn đến việc đưa ra những quyết định mang tính phân biệt đối xử.
Một ví dụ cụ thể sau đây có thể giúp bạn dễ hình dung hơn về mối liên hệ này là hệ thống COMPAS được sử dụng tại Mỹ để đánh giá và dự đoán những trường hợp tội phạm có khả năng tái phạm. Mặc dù COMPAS không sử dụng chủng tộc hay màu da như một dữ liệu đầu vào, nhưng nghiên cứu của các chuyên gia cho thấy COMPAS có kỳ thị người da màu. Nếu như chương trình này dự đoán chính xác 61% khả năng tái phạm, thì người da đen thường được xếp vào nhóm có nguy cơ tái phạm cao gấp đôi người da trắng, trong khi thực tế không hề phản ánh đúng như dự đoán.
Tác động đến quyền riêng tư
Dễ thấy rằng trong thời đại bùng nổ của trí tuệ nhân tạo thì dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu cá nhân đã trở thành một loại “hàng hoá” có giá trị. Bản chất của của tiến bộ công nghệ số trong thế kỷ XXI là sự phát triển mạnh mẽ của các công nghệ lưu trữ và các loại cảm biến, cho phép thu thập dữ liệu từ đời sống xã hội để xây dựng những phiên bản số hoá của các thực thể vật lý trên không gian số, sau đó dùng nó cho các thuật toán của AI.
Ví dụ: Các ngân hàng sẽ đưa ra quyết định cho vay dựa trên phân tích của AI về thu nhập, khả năng chi trả hay lịch sử tín dụng của người đi vay,…
Tuy nhiên, kèm theo đó là nguy cơ khi AI có thể được sử dụng để thu thập, phân tích dữ liệu cá nhân của người lao động và dùng nó cho những mục đích xấu như buôn bán, lừa đảo, kinh doanh bất hợp pháp,… Trong hầu hết các trường hợp thì các cá nhân này đều không biết được rằng bản thân đang bị xâm phạm quyền riêng tư và chiếm đoạt dữ liệu cá nhân cho những hoạt động trái phép.
AI có thể làm tăng nguy cơ dữ liệu cá nhân bị đánh cắp
Nhìn chung thì AI mang đến cả những tác động tích cực và tiêu cực cho thị trường việc làm. Vì vậy, để có thể tận dụng tối đa những lợi ích của AI và giảm thiểu những tác động tiêu cực, các cá nhân, doanh nghiệp và chính phủ sẽ cần có sự đầu tư và chuẩn bị kỹ lưỡng. Cụ thể:
- Tăng cường kỹ năng: Người lao động cần đầu tư vào việc học các kỹ năng mới, chẳng hạn như các kỹ năng kỹ thuật liên quan tới lập trình và vận hành hệ thống AI. Ngoài ra, khả năng sáng tạo và tư duy độc đáo là một lợi thế của con người mà AI không thể bắt chước, do đó bạn nên phát triển kỹ năng sáng tạo và giải quyết vấn đề để có thể đề xuất các ý tưởng, sản phẩm độc đáo giúp nâng cao giá trị của bản thân trong công ty và ngoài xã hội.
- Thích ứng với sự thay đổi: Những tác động của AI đang khiến thị trường làm việc thay đổi vô cùng nhanh chóng, vì vậy người lao động luôn phải linh hoạt và thích ứng với sự thay đổi để nắm bắt được những cơ hội phù hợp với bản thân.
- Tạo ra sự khác biệt: Trong một thế giới nơi AI có thể tự động hoá nhiều công việc thì sự sáng tạo và tạo ra các giá trị riêng biệt là điều mà người lao động cần quan tâm hơn bao giờ hết. Khi bạn làm được điều mà AI không thể sẽ chứng minh được bạn chính là người có thể mang lại những giá trị độc đáo cho thị trường.
Học gì để nắm bắt nhu cầu việc làm liên quan AI?
Để nắm bắt nhu cầu việc làm liên quan AI, bạn cần học những kỹ năng và kiến thức sau:
- Kỹ năng lập trình: Đây là nền tảng quan trọng để bạn có thể phát triển các mô hình AI. Các ngôn ngữ lập trình được sử dụng phổ biến trong AI bao gồm Python, Java, C++, và R.
- Kiến thức về khoa học máy tính: Các kiến thức về khoa học máy tính như đại số tuyến tính, xác suất thống kê, và lý thuyết thông tin sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về cách thức hoạt động của AI.
- Kiến thức về học máy: Học máy là một trong những nhánh chính của AI, chịu trách nhiệm cho việc phát triển các mô hình có thể học hỏi từ dữ liệu. Bạn cần tìm hiểu về các thuật toán học máy phổ biến như hồi quy, phân loại, và clustering.
- Kiến thức về các công nghệ AI: Ngoài học máy, AI còn bao gồm các công nghệ khác như xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP), thị giác máy tính (CV), và robot. Bạn nên tìm hiểu về các công nghệ này để có thể ứng dụng AI trong các lĩnh vực khác nhau.
- Kỹ năng mềm: Ngoài các kỹ năng chuyên môn, bạn cũng cần trang bị cho mình các kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm, và tư duy phản biện. Những kỹ năng này sẽ giúp bạn thành công trong công việc và sự nghiệp.
Hy vọng những thông tin chi tiết trên đây đã giúp bạn hình dung được phần nào cách mà AI tác động đến thị trường việc làm ra sao. Đối với Việt Nam là một nước đang phát triển, đã và đang tích cực thụ hưởng những thành quả của công nghệ AI trong thời đại số nên các tác động có thể còn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng AI đang dần thay đổi cách chúng ta làm việc, điều này đặt ra thách thức nhưng cũng mở ra cơ hội cho sự sáng tạo và phát triển trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Điều quan trọng là bạn cần phải luôn học hỏi và thích ứng với những thay đổi của thị trường việc làm để có thể nắm bắt được những cơ hội phù hợp.