Biết đến giáo dục STEM từ lâu nhưng nhiều phụ huynh vẫn chưa hiểu lý do vì sao phương pháp này lại thực sự quan trọng với trẻ. Do đó mà không ít cha mẹ đã bỏ lỡ những thời điểm vàng áp dụng giáo dục STEM trong hành trình nuôi dạy con từ sớm giúp con phát triển các kỹ năng quan trọng và tự tin bước vào tương lai. Sau đây là 5 lý do vì sao giáo dục STEM quan trọng đối với trẻ theo ông Nguyễn Thành Hải, tác giả cuốn sách nổi tiếng “Giáo dục STEM/STEAM từ trải nghiệm thực hành đến tư duy sáng tạo”, mời ba mẹ tham khảo:
1. Cách mạng công nghệ 4.0
Trong tương lai nhiều việc làm chân tay sẽ không còn nữa, được thay thế bằng robot, nhưng cũng sẽ có những ngành nghề mới ra đời mà chúng ta vẫn chưa hình dung hết được, chẳng hạn như nghề bác sĩ cho robot, nghề quản lý các thiết bị bay không người lái, nghề quản trị và tư vấn dùng thuốc cho cá nhân qua thiết bị di động, nghề tư vấn sức khỏe và hành vi con người với các thiết bị điện tử… Trong đó, ngành công nghiệp chế tạo vẫn tiếp tục đóng vai trò chủ đạo cho sự phát triển kinh tế của toàn cầu.
Xuất phát từ những thay đổi trong nền kinh tế, các kỹ năng của người lao động cũng đòi hỏi phải thay đổi để đáp ứng cho phù hợp. Trong xu hướng của cách mạng công nghiệp 4.0, nguồn lao động chất lượng cao không chỉ cần có kiến thức chuyên ngành mà đòi hỏi có sự hiểu biết của liên ngành. Ngoài ra các kỹ năng sử dụng kiến thức để giải quyết vấn đề, tạo sản phẩm sáng tạo và làm việc nhóm ngày càng được đề cao.
Giáo dục STEAM là một hướng tiếp cận mới giúp trang bị cho học sinh những kiến thức cần thiết liên quan đến 4 lĩnh vực là khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán. Giáo dục STEAM gắn kết với các lĩnh vực giáo dục khác tạo thành hệ thống các mục tiêu giáo dục cho thế hệ công dân toàn cầu tương lai: Kiến thức chuyên ngành, Thực hành khoa học, Tư duy liên ngành, Kỹ năng của thế kỷ 21, Gắn kết xã hội, Các giá trị đạo đức.
2. Sự chuẩn bị cho tương lai
Học tập STEM đối với giai đoạn sớm không phải là học sớm để biết nhiều kiến thức, mà là tạo cho trẻ cơ hội trải nghiệm, kích thích phát triển các giác quan, cảm xúc, mang lại niềm vui thích và hào hứng cho trẻ học tập về sau. Quá trình này cần được bồi dưỡng thường xuyên và liên tục, trong cả những hoạt động chính khóa và ngoại khóa của nhà trường và của địa phương.
Giáo dục STEM giúp trẻ trải nghiệm để phát triển các kỹ năng quan trọng cho tương lai – Ảnh: Internet
Tuy nhiên cần tránh hiểu nhầm giáo dục sớm là bắt trẻ học đọc viết sớm so với tuổi sinh lý và sự trưởng thành thể chất của trẻ. Càng không phải là ép trẻ phải học các môn lý thuyết về khoa học và toán học sớm. Ở đây chương trình giáo dục sớm cần chú trọng các hoạt động tương tác, trò chơi khám phá, vận dụng các kiến thức STEM, hoạt động cả trong nhà và ngoài trời, khuyến khích trẻ tự trải nghiệm với các giác quan và sử dụng thành thạo các công cụ học tập cũng như phối hợp các kỹ năng thực hành trong cuộc sống.
Sự trải nghiệm với các kiến thức STEM trong giai đoạn giáo dục sớm, giúp học sinh cảm thấy khoa học vừa có yếu tố bất ngờ, thú vị nhưng cũng rất gần gũi và dễ thực hiện. Nuôi dưỡng đam mê và khơi gợi óc tò mò ham học hỏi ở giai đoạn giáo dục sớm có ý nghĩa quan trọng cho hành trình giáo dục con người của trẻ về sau.
3. Sự thay đổi trong cách dạy và học
Các chương trình họa đa dạng
Trong xã hội hiện đại, quá trình học tập không chính quy tăng lên không ngừng qua các phương tiện truyền thông và mạng internet. Đó chính là học suốt đời (lifelong learning) trong xã hội học tập, nơi hình thành những con người biết suy nghĩ độc lập, sáng tạo, đáp ứng những yêu cầu của xã hội hiện đại.
Học tập linh hoạt
Các lớp học đảo ngược trong đó người học thực hiện các thao tác tìm hiểu, thu thập số liệu trước khi đến lớp học. Tại lớp học đảo ngược quá trình giảng dạy theo truyền thống là truyền đạt thông tin sẽ không còn nữa mà thay vào đó là các hoạt động vận dụng và tương tác với các bạn học khác để rút ra kiến thức cho bản thân. Ngoài ra quá trình học tập không đồng bộ cũng là một đặc điểm phổ biến mô hình học STEM tương lai. Người học có thể học theo đúng khả năng và tiến độ của bản thân mặc dù học chung cùng chủ đề với các bạn học khác
Học tập suốt đời để thích nghi trong môi trường mới
Với sự phát triển của các hệ thống giáo dục không chính quy ngày càng nhiều, quá trình học và tự học trở nên linh hoạt hơn. Tuy nhiên, giáo dục không chỉ trông chờ vào một đơn vị, một tổ chức mà cần có sự liên kết với nhau tạo thành một hệ sinh thái học tập STEM giúp người học có thể tiếp cận được một cách dễ dàng. Một hệ sinh thái học tập STEM cần được xây dựng sớm giúp học sinh có được cơ hội tiếp cận đa dạng các trải nghiệm học tập và liên tục ngay từ mẫu giáo cho đến bậc đại học. Ưu điểm của hệ sinh thái học tập STEAM là giúp người học có cơ hội đa dạng môi trường học tập, chia sẻ được nguồn tài nguyên học tập và xây dựng được chiến lược lựa chọn ngành nghề tương lai.
4. Hướng nghiệp ngay từ những bài học từ cấp tiểu học
Hướng nghiệp là một quá trình lâu dài, không thể tổ chức thành một buổi vào cuối cấp, mà phải gắn liền và xuyên suốt với chương trình học phổ thông, để học sinh có điều kiện tìm hiểu toàn diện và đa dạng các lĩnh vực, cũng như có được nhiều cơ hội hình thành sở thích và thể hiện được năng lực của bản thân.
Sở dĩ hướng nghiệp nên được lồng ghép vào các bài học cụ thể là bởi vì thông qua các hoạt động thực hành, kiến thức được vận dụng, học sinh mới dễ dàng nhận thức và hình dung được công việc cụ thể của một ngành nghề nào đó, thấy được đóng góp của ngành nghề đó cho xã hội, thấy được các năng khiếu của bản thân và đam mê của mình trong đó. Ngoài ra có những ngành nghề thực tế chưa xuất hiện trong thời điểm hiện tại nhưng thông qua những hoạt động học thực hành STEM sáng tạo, học sinh có thể thấy bản thân có thể phát triển nên một hoạt động công việc gì đó mới trong tương lai. Giáo dục STEAM chính là khơi gợi và truyền ngọn lửa đam mê nghề nghiệp cho trẻ thông qua các hoạt động thực hành, trải nghiệm.
5. Đánh giá quá trình học
Theo chương trình học tích hợp STEM, học sinh cần được đánh giá dựa vào hệ thống các tiêu chí về năng lực và kỹ năng liên môn. Đặc biệt, khi học sinh học trong các môi trường thực tế, kiến thức và thực hành đan xen vào nhau rất phức tạp và đa dạng nên việc đánh giá cần hướng đến đặc trưng tương tác của người học với môi trường cụ thể.
Đánh giá không chỉ dựa vào kết quả cuối cùng, thường được gọi là đánh giá tổng kết, mà đánh giá còn phải dựa trên suốt quá trình học tập, trong những hoạt động đa dạng trong và ngoài lớp, gọi là đánh giá hình thành.