Học xong cấp 3 nên đi du học hay học đại học là câu hỏi nhận được nhiều sự quan tâm của cả phụ huynh lẫn học sinh. Làm thế nào để đưa ra lựa chọn chính xác cho chặng đường tương lai? Bài viết sau đây của chúng tôi sẽ phân tích những lợi ích và nhược điểm của việc đi du học và học đại học để các bạn tìm ra cho mình một câu trả lời tốt nhất.
Lợi ích của việc đi du học sớm
Tiếp cận nền giáo dục tiên tiến
Nếu bạn đã trải qua 12 năm học trên ghế nhà trường tại Việt Nam thì bạn sẽ rất quen với phương pháp giảng dạy đọc – chép của nước ta. Trong khi đó, ở các nước có nền giáo dục tiên tiến, hiện đại thì sinh viên phải chủ động tìm kiếm, tổng hợp thông tin và đưa ra phản biện trong các buổi học. Chỉ khi nào các khía cạnh của vấn đề được thảo luận cặn kẽ, rõ ràng thì giảng viên mới đưa ra phân tích để giúp các bạn ghi nhớ kiến thức lâu và bền hơn.
Việc đi du học khi mới bước vào ngưỡng cửa đại học sẽ giúp các bạn được tiếp cận với một nền giáo dục mới thực tiễn hơn, qua đó nâng cao chất lượng học tập và cải thiện khả năng tư duy của mỗi cá nhân.
Rèn luyện kỹ năng sống và tính tự lập
Khi đã hết cấp 3 là các bạn sẽ bước sang một giai đoạn mới – giai đoạn của sự trưởng thành và tự lập. Đặc biệt, khi sống ở một nơi hoàn toàn xa lạ đòi hỏi các em cũng rèn luyện được khả năng chăm lo cho bản thân, biết lên kế hoạch sắp xếp mọi việc, trau dồi kỹ năng sống để hòa nhập với mọi người xung quanh. Càng tự lập sớm thì các em sẽ càng dễ dàng thành công trong tương lai.
Mở rộng tầm nhìn, hiểu biết về thế giới
Khi đi du học, các bạn sẽ được trải nghiệm và khám phá những điều mới mẻ, đồng thời được tiếp cận với văn hoá và xã hội tiến bộ, văn minh của các nước trên thế giới. Bên cạnh đó, bạn sẽ được chiêm ngưỡng những cảnh đẹp tại các địa danh nổi tiếng ở đất nước mà bạn đang du học.
Những giá trị mà du học sinh nhận được không chỉ ở việc tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm mà còn nằm ở chính những trải nghiệm cá nhân tại môi trường sống ở đó. Chính những trải nghiệm này sẽ giúp bạn hiểu biết hơn về thế giới, từ đó xoá bỏ đi những thành kiến về con người, văn hoá ở các nơi khác nhau.
Cơ hội định cư cao
Các chương trình định cư tại các nước dành cho du học sinh luôn có thang điểm cộng về thời gian học tập và bằng cấp tại đất nước đó. Do đó việc đi du học càng sớm sẽ càng tạo lợi thế hơn cho các bạn du học sinh khi muốn xét định cư để ở lại.
Tham khảo tin tức mới nhất
Du học sau khi tốt nghiệp THPT có hạn chế gì?
Chi phí cao
Chi phí luôn là một trong những nỗi lo với các du học sinh, bao gồm cả phần học phí lẫn chi phí sinh hoạt hàng ngày. Mức chi phí cho việc đi du học có thể gấp nhiều lần so với mức phí để học trong nước, nhất là nếu bạn muốn học ở các quốc gia châu Âu thì mức phí này sẽ còn cao hơn. Đây là một trong những rào cản lớn nhất với các bạn học sinh khi muốn đi du học mà lại không đủ điều kiện hoặc không săn được học bổng.
Khó khăn về ngôn ngữ và văn hóa
Mặc dù du học là một cơ hội tuyệt vời để bạn theo học một ngôn ngữ mới, tuy nhiên thời điểm ban đầu có thể sẽ gây ra nhiều khó khăn và bất tiện. Bạn cũng có thể sẽ gặp rào cản trong việc giao tiếp hoặc văn hóa như tôn giáo, giới tính,… Vấn đề này có thể khắc phục nếu bạn chịu khó rèn luyện theo thời gian nhưng chắc chắn nó cũng sẽ là một thử thách lớn trong thời gian đầu khi đi du học.
Thách thức về học tập và sinh hoạt
Các chương trình học của các nước phát triển có sự khác biệt rất lớn khi học tập trong nước. Để bắt kịp tiến độ học tập đòi hỏi bạn phải thực sự chăm chỉ và tập trung mỗi khi đến lớp.
Cách sinh hoạt cũng là một thách thức đối với các bạn du học sinh. Việc học tập và chung sống cùng với nhiều người đến từ khắp các nơi trên thế giới chắc chắn không tránh khỏi sự bất đồng và nếu bạn không khéo léo để xử lý thì rất dễ dẫn đến những mâu thuẫn trong học tập và cuộc sống.
Lợi ích của việc học đại học sau khi học xong cấp 3
Học được khối kiến thức khổng lồ
Đại học là môi trường đào tạo chuyên sâu giúp bạn hiểu rõ về lý thuyết, nguyên tắc và ứng dụng ở lĩnh vực bạn đang quan tâm. Thông qua những bài giảng, tài liệu nghiên cứu chất lượng, các giảng viên sẽ truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm để giúp bạn nâng cao trình độ và mở rộng kiến thức của mình.
Bằng cấp có giá trị hơn, cơ hội xin việc được nhận cao hơn
Ngày nay, các công việc đòi hỏi trình độ đại học với kỹ năng chuyên môn cao ngày càng nhiều hơn. Tấm bằng đại học sẽ giúp bạn cạnh tranh tốt hơn trên thị trường lao động, là cơ hội để tiếp cận với những vị trí công việc cao hơn, mức lương và điều kiện làm việc tốt hơn. Các nhà tuyển dụng thường nhìn vào tấm bằng đại học để đánh giá sự kiên nhẫn, khéo léo trong suốt quá trình học tập trên giảng đường của bạn.
Thu nhập bình quân tốt
Chắc chắn rằng việc sở hữu tấm bằng đại học sẽ là cơ hội để bạn có được mức thu nhập bình quân cao hơn. Rất nhiều doanh nghiệp sẵn sàng trả mức lương và đãi ngộ tốt với những bạn tốt nghiệp từ những trường đại học danh giá trên cả cả nước.
Nhược điểm của việc học đại học sau khi học xong cấp 3
Chương trình đào tạo dài, ít kỹ năng cọ xát thực tế nếu sinh viên không chủ động
Thông thường các chương trình đào tạo đại học sẽ kéo dài từ 4 – 5 năm. Đây là một thời gian tương đối dài, vừa là ưu điểm cũng là nhược điểm của việc học đại học. Các bạn sinh viên sẽ tốn nhiều thời gian để học tập trên giảng đường mà gần như không có cơ hội để ra ngoài trải nghiệm, thực hành và trau dồi vốn kiến thức từ xã hội bên ngoài.
Chính vì thời gian học tập quá dài dẫn tới hệ quả là sinh viên ở các trường đại học tại Việt Nam thường bị động, thiếu kinh nghiệm thực tế, thiếu kỹ năng giao tiếp và kỹ năng mềm trong công việc.
Chương trình đại cương chiếm 1-2 năm đầu rất khiến sinh viên chán nản dễ bỏ cuộc
Nhìn chung thì dù bạn theo học ở trường đại học nào thì 1 – 2 năm đầu tiên cũng sẽ là thời gian để học các môn lý thuyết, đại cương như đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, Quốc phòng,… Những môn học này không liên quan đến chuyên ngành học nên sẽ khiến các bạn sinh viên dễ chán nản, bỏ cuộc, không còn hứng thú khi đến trường.
Chi phí đào tạo cao
Mức chi phí đào tạo tại các trường đại học ở nước ta hiện nay là không hề nhỏ. Đặc biệt với những bạn sinh viên xa nhà lên thành phố để học thì các chi phí đi lại, ăn ở, sinh hoạt cũng vô cùng tốn kém.
Học xong ra trường chưa chắc có việc làm, phải đi làm trái ngành
Một thực trạng dễ thấy ở thị trường lao động Việt Nam hiện nay là dù học xong đại học nhưng ra trường vẫn chưa chắc có việc làm hoặc phải đi làm trái ngành. Nguyên nhân là bởi đặc thù của các trường đại học trong nước hiện nay đa phần là học lý thuyết, ít thực hành dẫn đến các bạn thiếu kỹ năng thực tiễn khi ra trường, khó cạnh tranh với những người đã có vài năm kinh nghiệm khi cùng ứng tuyển vào một doanh nghiệp nào đó.
Như vậy có thể thấy rằng, học xong cấp 3 nên đi du học hay học đại học còn phụ thuộc vào mục đích, định hướng nghề nghiệp và điều kiện của từng bạn. Mỗi lựa chọn đều sẽ có những ưu nhược điểm riêng, điều quan trọng nhất là dù lựa chọn hướng đi nào thì bạn cũng cần cố gắng nỗ lực hết mình để đạt được thành công cho riêng mình.
FAS tổng hợp