Trắc nghiệm tâm lý tính cách là một trong những phương pháp giúp con người phân tích được bản thân và người khác, từ đó đưa ra những quyết định đúng đắn trong công việc và cuộc sống. Chúng ta đã quá quen với bài trắc nghiệm tính cách MBTI, tuy nhiên còn rất nhiều các bài trắc nghiệm khác để áp dụng trong nhiều trường hợp khác nhau. Dưới đây là một số bài trắc nghiệm tâm lý chúng tôi đã tổng hợp được mà bạn có thể tham khảo.
Trắc nghiệm tâm lý tính cách là gì?
Trắc nghiệm tâm lý tính cách là phương pháp sử dụng các câu hỏi trắc nghiệm để tìm hiểu về tâm lý, tính cách cũng như cách mà con người nhận thức về thế giới xung quanh. Thông qua đó, chúng ta cũng biết được cách mà người đó đưa ra quyết định khi gặp phải một vấn đề nào đó.
Trắc nghiệm tâm lý mang lại điều gì?
Mỗi con người đều sở hữu những tính cách riêng biệt. Chính nét riêng biệt này đã tạo nên một cá thể biệt lập mà không ai có thể thay thế. Trắc nghiệm tâm lý được thực hiện để nhấn mạnh vào sự khác biệt tự nhiên của mỗi người và trả lời cho câu hỏi tại sao mỗi người lại có cá tính khác nhau.
Các bài trắc nghiệm tâm lý tính cách thường được phát triển dựa trên nền tảng tâm lý học nên có tính chính xác tương đối cao và ngày càng được ứng dụng phổ biến. Nó giúp con người hiểu rõ bản thân và phát hiện ra những điểm mạnh của mình và những người xung quanh, từ đó định hướng nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích của chính mình.
Những bài trắc nghiệm tâm lý tính cách ngoài MBTI
Ngoài trắc nghiệm tính cách MBTI chúng ta sẽ có những bài trắc nghiệm khách như:
Trắc nghiệm tâm lý Big Five
Big Five là mô hình trắc nghiệm tâm lý được nghiên cứu và phát triển bởi các nhà khoa học hàng đầu thế giới, dựa trên 3 lĩnh vực: ngôn ngữ học, di truyền học và dữ liệu từ các bài kiểm tra nhân cách khác nhau. Qua đó, các nhà khoa học đã đưa ra 5 yếu tố lớn trong nhóm tính cách bao gồm:
- Hòa đồng (Agreeableness): tốt bụng, cảm thông, hợp tác, biết quan tâm
Hoà đồng đề cập đến cách đối xử của một người trong mối quan hệ với người khác, tập trung vào sự tương tác và định hướng con người. Những người có mức hoà đồng cao sẽ nhạy cảm với nhu cầu của người khác và có thiện chí để hợp tác.
- Tự chủ (Conscientiousness): đáng tin cậy, tính kỷ luật, có trách nhiệm, có kế hoạch
Tự chủ là việc ý thức điều chỉnh hành vi của mình sao cho hợp lý để đạt được các mục tiêu. Nó đo lường các yếu tố như sự kiềm chế, kiểm soát và bền bỉ.
- Bất ổn cảm xúc (Neuroticism): giận dữ, lo âu, trầm cảm, dễ tổn thương
Sự bất ổn cảm xúc sẽ thể hiện khả năng cân bằng cảm xúc của một người qua cách họ nhìn nhận thế giới. Đồng thời nó cũng sẽ phản ánh xu hướng trải nghiệm cảm xúc tiêu cực của người đó trong mọi tình huống.
- Hướng ngoại (Extraversion): hòa đồng, ngoại giao, mạnh mẽ, nhiệt tình
Hướng ngoại phản ánh xu hướng và cường độ tìm kiếm sự tương tác với xã hội của một người. Yếu tố này cũng phản ánh loại môi trường giúp một cá nhân lấy lại được năng lượng.
- Sẵn sàng trải nghiệm (Openness): thích phiêu lưu, hiếu kỳ, độc đáo, có óc thẩm mỹ
Sự cởi mở thể hiện trong việc sẵn sàng thử những cái mới, tham gia vào các hoạt động tưởng tượng hay vận dụng trí tuệ ở mức độ cao. Tư duy nằm ngoài khuôn khổ chính là đặc điểm của khía cạnh này.
Trắc nghiệm tâm lý Big Five thường được ứng dụng nhiều trong nhân sự, tâm lý, giáo dục và đặc biệt là hỗ trợ các cá nhân trong việc định hướng nghề nghiệp cho phù hợp với tính cách.
Tham khảo tin tức mới nhất
- Trắc nghiệm tính cách MBTI là gì? Sự khác biệt giữa MBTI và DISC
- Vì sao cần thiết lập công thức nghề nghiệp? Cách lập thế nào?
Mô hình tính cách HEXACO-PI-R
HEXACO là mô hình tính cách được tạo ra bởi Ashton và Lee, được giới thiệu trong cuốn sách “The H Factor of Personality” (tạm dịch: Các yếu tố tính cách). Tương tự Big Five, mô hình tính cách này cũng dựa trên logic về từ vựng – các tính từ được dùng để mô tả hành vi và khuynh hướng cá nhân – để tổng hợp thành 6 khía cạnh chính:
- H (Honesty – Humility) – (Trung thực – Khiêm tốn): chân thành, công bằng, không tham lam
- E (Emotionally) – (Cảm xúc): lo lắng, sợ hãi, phụ thuộc, uỷ mị
- X (Extraversion) – (Hướng ngoại): lòng tự trọng, sự táo bạo, tính xã giao, sự sống động
- A (Agreeableness) – (Dễ chịu): sự linh hoạt, kiên nhẫn, lòng vị tha, độ hoà nhã
- C (Conscientiousness) – (Ý thức): siêng năng, có tổ chức, tính thận trọng, truy cầu sự hoàn hảo
- O (Openness to Experience) – (Sẵn sàng trải nghiệm): hiếu kỳ, sự sáng tạo, yêu cái đẹp, tính độc đáo
Bạn sẽ được hoàn thành 100 câu trắc nghiệm đơn giản về mức độ đồng ý hoặc không đồng ý trước một vấn đề, từ đó hình thành cơ sở để đánh giá tính cách. Sau khi hoàn thành trắc nghiệm, số điểm của bạn ở từng yếu tố sẽ được thống kê và so sánh với mức điểm trung bình. Phương pháp này thường được ứng dụng trong tâm lý học và tuyển dụng nhân sự.
Trắc nghiệm tính cách Enneagram
Enneagram là một bài phân tích tính cách dựa trên tâm thần học, có liên quan đến 9 điểm trên biểu tượng Enneagram, tương ứng với 9 đặc điểm tính cách, tư duy, cảm xúc và hành vi của con người. Cụ thể 9 kiểu người đó bao gồm:
- Người cầu toàn (Reformer / Perfectionist): người có nguyên tắc, có mục đích, tự chủ và luôn luôn tìm kiếm sự hoàn hảo
- Người giúp đỡ (Helper / Giver): người rộng lượng, quan tâm đến người khác, có tính sở hữu, thích giãi bày tâm tư
- Người tham vọng (Achiever / Performer): người có chí cầu tiến, có khả năng thích nghi tốt, biết phấn đấu
- Người cá tính (Individualist / Romantic): người có cảm xúc mạnh mẽ, hay thay đổi, biết thể hiện bản thân
- Người lý trí (Investigator / Observer): người suy nghĩ sâu sắc, cấp tiến, kín đáo và tách biệt
- Người trung thành (Loyalist / Loyal Skeptic): người có trách nhiệm, hấp dẫn, hay lo lắng và đa nghi
- Người nhiệt tình (Enthusiast / Epicure): người linh hoạt, bộc phát, dễ bị xao nhãng
- Người thách thức (Challenger / Protector): người tự tin, dứt khoát, quyết đoán và bảo thủ
- Người ôn hòa (Peacemaker / Mediator): người cởi mở, dễ chịu, biết cảm thông và đáng tin cậy.
Những người tham gia sẽ trả lời 36 câu hỏi với hai đáp án để từ đó xác định được mình thuộc nhóm người nào. Kết quả của bài trắc nghiệm Enneagram thường không xếp bạn vào một nhóm nhất định mà sẽ là sự kết hợp của nhiều nhóm tính cách khác nhau. Enneagram được sử dụng nhiều trong công việc, giúp các nhân viên trong nhiều lĩnh vực như làm việc nhóm, giao tiếp, ra quyết định, lãnh đạo,…
Ngôn ngữ tình yêu
Bài kiểm tra Ngôn ngữ tình yêu được bắt nguồn từ nghiên cứu của Tiến sĩ Gary Chapman. Thông qua việc trả lời 30 câu hỏi, bạn sẽ biết được mình thuộc kiểu người nào trong 5 ngôn ngữ tình yêu sau:
- Lời yêu (Words of Affirmation): thường bày tỏ sự yêu mến, khen ngợi hoặc trân trọng đối phương qua lời nói
- Sự chu đáo (Acts of Service): tình yêu được bộc lộ qua những hành động cụ thể
- Quà tặng (Gifts): thể hiện sự yêu thương, chu đáo qua những món quà ý nghĩa
- Thời gian bên nhau (Quality time): dành thời gian cho đối phương một cách toàn tâm toàn ý, không xao nhãng
- Những cái chạm (Physical touch): thể hiện qua ngôn ngữ cơ thể như những cái ôm, cầm tay, khoác vai,…
Muốn có một mối quan hệ yêu đương bền chặt thì việc hiểu được ngôn ngữ tình yêu của bản thân là chưa đủ mà bạn cũng cần phải hiểu rằng đối phương muốn được yêu theo cách nào. Chính vì vậy, để bài kiểm tra này phát huy hiệu quả cao nhất thì bạn hãy rủ nửa kia cùng thực hiện, như vậy sẽ giúp cả hai thấu hiểu nhu cầu của nhau hơn.
Thuyết gắn bó
Thuyết gắn bó được giới thiệu bởi nhà tâm lý học người Anh – John Bowlby và được ứng dụng rộng rãi trên toàn thế giới đến nay. Thông qua bài trắc nghiệm bạn sẽ xác định được mình thuộc loại gắn bó nào và qua đó hiểu rõ hơn về tính cách của bản thân. Thuyết này được áp dụng không chỉ trong mối quan hệ tình cảm mà còn có thể sử dụng với quan hệ gia đình giữa bố mẹ với con cái hay giữa anh chị em với nhau.
4 kiểu gắn bó được phân tích đó là:
- An toàn: thường thấy ở những đứa trẻ được đáp ứng nhu cầu và được yêu thương, chăm sóc đầy đủ. Những người thuộc kiểu gắn bó này sẽ cảm thấy thoải mái và dễ dàng thể hiện tình cảm với người khác. Họ biết cách giao tiếp và truyền đạt nhu cầu, mong muốn của mình một cách hiệu quả
- Lo âu: kiểu gắn bó này được hình thành với những đứa trẻ thiếu sự chăm sóc và tình yêu của bố mẹ, hoặc tình yêu được đáp ứng một cách thiếu nhất quán. Họ luôn khao khát sự thân mật, sợ bị bỏ rơi nên có thể nhạy cảm thái quá về các dấu hiệu trong mối quan hệ. Họ cũng có xu hướng kiểm soát, bám đuổi với đối phương.
- Né tránh: những đứa trẻ gặp phải sự xa cách, lạnh nhạt hoặc thờ ơ của người chăm sóc từ thuở thơ ấu sẽ có kiểu gắn bó này. Họ thường không thoải mái với sự thân mật, không muốn bị ràng buộc, cố gắng giảm thiểu tối đa sự gần gũi với người khác. Họ gặp khó khăn trong việc phải chia sẻ cảm xúc sâu kín của mình với nửa kia.
- Lo âu – né tránh: đây là kiểu gắn bó thường thấy với một đứa trẻ bị bạo hành hoặc bỏ bê nặng nề. Người thuộc nhóm này sợ gần gũi và thân mật với người khác. Họ thường nhìn mối quan hệ dưới con mắt rất mâu thuẫn: họ tiếp cận ai đó nếu muốn được đáp ứng nhu cầu, nhưng nếu tiếp cận quá gần thì dễ bị tổn thương. Kết quả là họ không biết làm cách nào để bày tỏ mong muốn của mình.
Trắc nghiệm tâm lý tính cách DISC
DISC là một bài kiểm tra đánh giá hành vi nổi tiếng được ứng dụng nhiều trong công việc tại nhiều doanh nghiệp trên thế giới. Bài trắc nghiệm này được nghiên cứu bởi nhà tâm lý học William Moulton Marston. Theo ông, tính cách của con người được chia làm 4 nhóm:
- Dominance (nhóm thủ lĩnh): tự tin, thẳng thắn, hướng tới kết quả, có tính cạnh tranh cao
- Influence (nhóm tạo ảnh hưởng): nhiệt tình, thân thiện, lạc quan, có sức thuyết phục
- Steadiness (nhóm kiên định): chân thành, cẩn thận, kiên nhẫn, ổn định
- Compliance (nhóm tuân thủ): bình tĩnh, chính xác, cầu toàn, cẩn trọng
Mỗi cá nhân đều có đủ 4 nhóm tính cách này, tuy nhiên sẽ thể hiện ở các mức độ khác nhau. Phương pháp DISC dựa vào kết quả của bài trắc nghiệm để tìm ra nhóm chiếm phần cao nhất trong đặc điểm tính cách của người tham gia.
DISC thường được ứng dụng trong quản trị nhân sự, quản lý năng lực cá nhân và trong giao tiếp. Biết được đối phương là mẫu người nào trong 4 nhóm trên sẽ giúp bạn lên kế hoạch giao tiếp phù hợp và hiệu quả với người đó.
CareerExplorer by Sokanu
Career Explorer là một bài kiểm tra dành riêng cho công việc nhằm giúp bạn tìm ra công việc phù hợp. Các yếu tố được sử dụng để đo lường độ phù hợp với công việc bao gồm: các kỹ năng, phong cách làm việc, giá trị bạn hướng đến, văn hoá doanh nghiệp,…
Bài trắc nghiệm này sử dụng rất nhiều câu hỏi căn cứ vào dữ kiện nghề nghiệp của hơn 500 ngành nghề được O*NET (mạng lưới thông tin nghề nghiệp) phát triển.
Trên đây là 7 bài trắc nghiệm tâm lý tính cách mà bạn có thể tham khảo để sử dụng trong công việc và đời sống hàng ngày. Tuỳ vào mục đích, nhu cầu của bản thân mà bạn hãy lựa chọn bài trắc nghiệm phù hợp để có kết quả đánh giá khách quan và toàn diện nhất.
FPT AfterSchool (FAS) tổng hợp