Những ngộ nhận thường gặp về giáo dục STEM/STEAM, 90% cha mẹ đều hiểu sai

Theo ông Nguyễn Thành Hải, tác giả cuốn sách “Giáo dục STEM/STEAM từ trải nghiệm thực hành đến tư duy sáng tạo”, có 6 ngộ nhận về giáo dục STEM/STEAM.

1. Giáo dục STEM/STEAM là học lập trình và lắp ráp robot 

Thực tế giáo dục STEM/STEAM không chỉ có các hoạt động liên quan lập trình và lắp ráp robot. Giáo dục STEAM có nền tảng từ giáo dục khoa học nên các chủ đề rất đa dạng, đi từ những kiến thức sinh hoạt, hóa học, vật lý học, khoa học môi trường, khoa học dinh dưỡng, khoa học vũ trụ… Khi học sinh học lập trình và lắp ráp robot, câu hỏi đặt ra là các kiến thức học sinh được học là gì? Có sự gắn kết giữa các nhóm kiến thức STEM/STEAM với nhau như thế nào? Mức độ tích hợp ở cấp độ nào? Chương trình giúp học sinh rèn luyện được kỹ năng gì? Học sinh liên hệ được gì với thực tế xung quanh? Khi trả lời những câu hỏi đó, chúng ta sẽ phân biệt được một hoạt động dạy học trong một bức tranh chung tổng thể về giáo dục STEM/STEAM. 

2. Giáo dục STEM/STEAM làm mất đi nền tảng giáo dục xã hội và nhân văn 

Thực tế giáo dục STEM/STEAM lại hỗ trợ tốt hơn cho học sinh khi học về các môn xã hội và nhân văn. Các bằng chứng từ các nghiên cứu đã công bố cho thấy giáo dục STEM/STEAM giúp cho học sinh cảm thấy yêu thích các môn học khoa học tự nhiên hơn, vì nhận ra các môn học khoa học tự nhiên gần gũi với đời sống xã hội và giúp ích cho các hoạt động của con người. Từ đó hình thành các tư duy suy nghĩ bậc cao, như tư duy phản biện, sáng tạo, giải quyết vấn đề, … đó cũng chính là những tư duy cần thiết để học tốt các môn về giáo dục xã hội và nhân văn. Ngoài ra, khi được tiếp cận giáo dục STEM/STEAM, các giáo viên có thể khuyến khích học sinh đọc sách, tìm hiểu về các vấn đề trong đời sống xã hội , để đưa ra các ý tưởng và sáng kiến về khoa học và công nghệ giúp cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhiều em học sinh sau khi đi thực địa về, cảm xúc của các em tốt hơn, nên trong cách viết và cách nói của các em giàu hình ảnh và giàu cảm xúc hơn. 

Giáo dục STEM/STEAM giúp trẻ có nhiều trải nghiệm thực tế, hỗ trợ cho trẻ trong các môn học xã hội, nhân văn. Ảnh: Internet

3. Giáo dục STEM/STEAM đòi hỏi đầu tư nhiều vào cơ sở vật chất 

Thực tế giáo dục STEM/STEAM có rất nhiều mức độ, trong đó hầu hết các hoạt động giáo dục đều cần mức chi phí đầu tư giống như các hoạt động giáo dục khác. Giáo dục STEM/STEAM đặc biệt chú trọng đến giáo dục thực hành và liên hệ thực tiễn, lại bắt nguồn từ nước phát triển như Mỹ, nên nhiều phụ huynh và giáo viên dễ ngộ nhận rằng cần mua sắm thiết bị đắt tiền. Những không phải luôn nhất thiết là vậy. Các chương trình giáo dục STEM/STEAM đa dạng về các chủ đề, có chủ đề liên quan đến môi trường, học sinh chỉ cần thực hiện trồng một chậu cây nhỏ ở nhà và quan sát sự phát triển của cây, hay chỉ là tận dụng các vật liệu có sẵn trong gia đình như bình nước nhựa, hộp giấy, vỏ chai… Thậm chí, có những bài học STEM/STEAM tốn rất ít chi phí, chẳng hạn như khi lớp học được tổ chức ở những nơi công cộng, bảo tàng, công viên, vườn cây … giúp học sinh rèn luyện kỹ năng quan sát, phân tích và đánh giá. Thiết bị, máy móc chỉ là những công cụ, phương tiện hỗ trợ để con người tìm đến tri thức, nhưng không thể thay thế cách con người tư duy và phát triển lý lẽ, cảm xúc. 

4. Giáo dục STEM/STEAM chỉ dạy được học sinh trung học, không dạy được cho trẻ mẫu giáo, tiểu học 

Thực tế, chính các cấp học thấp lại là giai đoạn rất dễ dạy về STEM/STEAM. Ở giai đoạn mẫu giáo và tiểu học, các em học sinh học chủ yếu qua hình ảnh, trải nghiệm với các giác quan, nên việc đưa giáo dục STEM/STEAM vào chương trình học giúp học sinh học một cách dễ dàng và hứng thú hơn. Dĩ nhiên đối với các học sinh nhỏ, chúng ta không dạy các em nhớ các công thức phức tạp, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể dạy các khái niệm thông qua các trò chơi đơn giản, giàu hình ảnh và sinh động. Các nghiên cứu giáo dục gần đây cũng cho thấy rằng, đối với trẻ em được tiếp xúc với các hoạt động giáo dục trải nghiệm sớm, sẽ có nhiều khả năng và năng lực tốt hơn khi học các bậc học cao hơn. Do vậy giáo dục STEM/STEAM hoàn toàn phù hợp dạy cho các trẻ em nhỏ thông qua các trò chơi trong nhà cũng như ngoài trời. 

5. Giáo dục STEM/STEAM chỉ phù hợp với học sinh nam, không phù hợp cho học sinh nữ 

Thực tế, giáo dục STEM/STEAM phù hợp cho cả hai giới tính và đang ngày càng giúp cho học sinh nữ yêu thích hơn các môn khoa học tự nhiên và kỹ thuật. Chính nhờ cách tiếp cận mới của giáo dục STEM/STEAM, các môn học khoa học trở nên gần gũi, gắn liền với thực tế nhiều hơn, đặc biệt rèn luyện sự khéo léo của đôi bàn tay trong các hoạt động thí nghiệm và thực hành. Các chủ đề giáo dục đa dạng cũng góp phần cho tiếng nói của giới nữ được quan tâm nhiều hơn. Các nghiên cứu gần đây cũng cho thấy rằng, khi các học sinh nữ quan tâm nhiều hơn về lĩnh vực STEM/STEAM, ,nhu cầu tuyển dụng giới tính nữ đều tăng với mong muốn có thêm nhiều góc nhìn mới sáng tạo trong lĩnh vực khoa học và công nghệ truyền thống hiện nay. 

Giáo dục STEM/STEAM dành cho cả học sinh nam và nữ. Ảnh: Internet

6. Các chương trình giáo dục hiện nay sẽ bị xóa sổ vì STEM/STEAM 

Nhiều người lo ngại rằng giáo dục STEM/STEAM sẽ làm mất đi các thành tựu đạt được của ngành giáo dục hiện nay và buộc giáo viên phải thay đổi hoàn toàn về nội dung và phương pháp dạy.  

Trên thực tế, giáo viên dạy các môn khoa học và kỹ thuật ở Việt Nam đã có một nền tảng lý thuyết tốt, nay các giáo viên cần được trang bị thêm kỹ năng, phương pháp xây dựng bài giảng theo hướng tích hợp và gắn với thực hành nhiều hơn. Để làm được như vậy, khung chương trình đào tạo có thêm các khoảng thời gian sáng tạo, học sinh được học thực hành và trải nghiệm thực tế nhiều hơn. 

Theo cách tiếp cận giáo dục hiện đại, giáo viên có thể kế thừa và chủ động trong việc xây dựng bài giảng trên cơ sở một chương trình khung, có thể tham khảo nhiều nguồn sách giáo khoa và chọn lọc tài liệu giảng dạy tùy vào đặc điểm của lớp học và sự hứng thú của học sinh. Do đó, giáo dục STEM/STEAM giúp giáo viên chủ động hơn trong việc dạy học sáng tạo và truyền cảm hứng, một cơ hội giúp giáo dục Việt Nam theo kịp các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.  

Trích sách “Giáo dục STEM/STEAM từ trải nghiệm thực hành đến tư duy sáng tạo”, tác giả Nguyễn Thành Hải

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *