Phát hiện con thiếu trung thực, cha mẹ hãy làm ngay 5 điều này

Thật thà, trung thực là đức tính mà cha mẹ nào cũng muốn con mình rèn luyện từ lúc còn nhỏ cho đến khi trưởng thành. Trung thực sẽ giúp con có một tấm lòng chân thành, biết tôn trọng sự thật, đề cao sự uy tín trong các mối quan hệ của con sau này. Nếu một ngày cha mẹ phát hiện con đang nói dối, đừng vội kết tội con, hãy bình tĩnh áp dụng 5 điều này để uốn nắn con đúng cách.

1. Tìm ra nguyên nhân vì sao con nói dối

Có thể con đang nói dối vì sợ điều gì đó, hãy trò chuyện cùng con để biết lý do vì sao con không nói sự thật. Đôi khi vì áp lực từ sự kỳ vọng của cha mẹ, hoặc lo sợ bản thân phải chịu hình phạt từ việc làm sai của mình mà con buộc lòng phải nói dối để tránh đi kết cục xấu xảy ra như bị đòn roi, quát mắng, chỉ trích. Hãy cho con hiểu rằng phạm sai lầm không quá kinh khủng và nói dối sẽ không giải quyết được gốc rễ của vấn đề, con nên chia sẻ khó khăn của con cùng gia đình để cha mẹ có thể hỗ trợ con khi cần.

Cha mẹ cần bình tĩnh tìm ra nguyên nhân khiến con nói dối để có hướng giải quyết đúng- Ảnh: Internet

2. Cha mẹ cần làm gương cho con

Muốn dạy con điều gì, cha mẹ chính là người làm được điều đó trước. Trung thực cũng vậy, cha mẹ cần sống chân thành, nói sự thật và dám thừa nhận khuyết điểm của mình. Đừng lo lắng việc nhận sai trước mặt con sẽ khiến con không tôn trọng mình, chính điều này sẽ giúp con hiểu ra rằng dù là trẻ nhỏ hay người lớn thì đều cần phải sống trung thực với bản thân và những người xung quanh.  Kể cả khi nói đùa, lời nói dối vô hại cũng sẽ ảnh hưởng đến suy nghĩ của con. Con nghĩ rằng cha mẹ làm được thì con cũng làm được.

3. Đừng phản ứng gay gắt khi con nói dối

Dù biết việc nói dối là không tốt nhưng ba mẹ nên tạo cho con tâm lý thoải mái để hiểu ra vấn đề và thừa nhận lỗi của mình hơn là việc hăm dọa, la mắng và thậm chí đánh đập con. Đồng thời đừng đưa con vào tình huống phải nói dối như việc hỏi tới cùng sai phạm của con. Con sẽ vì lo lắng mà tự vệ bằng cách giấu đi sự thật. Đặc biệt là ở thời điểm tuổi dậy thì, con luôn muốn khẳng định bản thân và muốn được ba mẹ công nhận, do đó việc cha mẹ hỏi dồn con để biết sự thật sẽ khiến con càng muốn nói dối. Hãy bình tĩnh và cho con thời gian, không gian riêng tư, con sẽ tự nhận lỗi khi thấy thoải mái hơn.

Phản ứng tiêu cực của cha mẹ càng khiến con sợ nhận lỗi – Ảnh: Internet 

4. Luôn khích lệ con nói ra sự thật

Dù sự thật có khó chấp nhận đến đâu ba mẹ hãy cố gắng cổ vũ con đối diện với nó và can đảm thừa nhận. Để khích lệ, điều ba mẹ cần làm là chân thành trò chuyện với con, không cáu gắt, giận dữ, không thuyết phục con nói ra rồi quay sang chỉ trích khi biết được sự thật, lâu dần con sẽ không dám mở lòng với cha mẹ nữa. Hãy động viên và cho con lời khuyên để không tái phạm sai lầm ở lần sau.

Tạo cho con cảm giác an toàn, con sẽ dễ mở lòng hơn ngay cả khi mắc sai lầm- Ảnh: Internet

5. Để con tự chịu trách nhiệm cho lời nói dối

Con sẽ hiểu hậu quả của việc nói dối hơn khi con được trải nghiệm và chịu trách nhiệm về điều đó. Nếu đã nhiều lần nhắc nhở con nhưng con vẫn không thay đổi, cha mẹ hãy cho con tự đối mặt và chịu trách nhiệm với lời nói dối của mình. Chắc chắn con sẽ có một trải nghiệm không mấy vui vẻ nhưng nó sẽ là bài học để con tự chấn chỉnh bản thân và hiểu hơn về những lời khuyên của cha mẹ trước đó. 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *